Văn hóa – xã hội Tân Phong, Kiến Thụy

Văn hóa vật thể và phi vật thể khá phong phú. Chùa Hàm Long ở thôn Lão Phong được xây dựng từ thế kỷ thứ 13 trên mảnh đất linh thiêng huyền thoại (ngay trong Hàm Rồng), đã nhiều lần trùng tu tôn tạo; trong kháng chiến chống Pháp chùa là cơ sở tin cậy của Việt Minh. Đình Lão Phong thờ 3 vị Thành hoàng là: Nam Hải đại vương, Đông Hải đại vương và Tiết chế Linh ứng đại vương, do tiêu thổ kháng chiến đến nay đình Lão Phong không còn nữa. Đình Thái Lai xây dựng vào đầu thế kỷ 20 thờ Thành hoàng làng là cụ Vũ Đức Khôi, đền của làng thờ Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn. Đình chùa của làng Lão Phú không còn, năm 1937, nhà thờ thiên chúa giáo được xây dựng, nhân dân theo đạo toàn tòng và trở thành họ giáo lớn nhất huyện. Làng Kính Trực lập miếu thờ cụ Cử Mai là Thành hoàng của làng. Nơi đây có khu di tích Đầm Bầu lưu giữ sự kiện lịch sử quan trọng thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện vào ngày 22 tháng 9 năm 1944.

Lễ hội trong các làng thường diễn ra vào dịp Tết Nguyên đán. Đặc biệt là lễ hội chùa Hàm Long được tổ chức long trọng vào ngày 20 tháng Giêng hàng năm, kéo dài từ 3-4 ngày để tạ ơn trời đất. Lễ hội có rước Rồng vàng, rước Thành hoàng làng cùng với các trò chơi dân gian như đánh vật, bắt vịt dưới ao và thi hành làm cỗ chay giữa các dòng họ. Cũng vào dịp này, làng Lão Phú tổ chức các trò chơi như: cầu thùm, cướp cờ, cướp chim, đua thuyền có hình cá chép giữa các dòng họ nay đã mai một.

Hương ước các làng văn hóa nay có sự kế thừa nét đẹp truyền thống, xây dựng đời sống văn hóa mới lành mạnh, tiến bộ. Đến nay cả 4 làng (thôn) đều xây dựng làng văn hóa; trong đó có các nàng văn hóa Lão Phú (công giáo toàn tòng) và làng văn hóa Thái Lai đạt danh hiệu cấp Thành phố. Các thiết chế văn hóa, thể thao như: nhà văn hóa, đài phát thanh, điểm bưu điện văn hóa, sân vận động, trung tâm văn hóa làng đều được đầu tư trang thiết bị hiện đại, hiệu quả hoạt động tốt.

Tân Phong là địa phương có truyền thống hiếu học. Thuở mới lập làng đã có họ Đồng Xuân vốn là họ Tư Thiên (tổ tiên xưa là Thiên Tư giám) di cư về cùng sinh sống với cộng đồng làng, hòa nhập và mở mang tri thức. Thời kỳ nhà Mạc (1527-1592), làng có nhiều người có trình độ học vấn uyên bác, tham gia triều chính.